Chỉ có 25.000 buổi sáng trong đời, mỗi người trong số chúng ta sẽ có khoảng 25.000 buổi sáng trong quãng đời của mình, cũng có thể nhiều hơn hoặc ít hơn một chút.
Hãy cùng tìm hiểu xem tác giả của cuốn sách “Transform Your Habits – Thay Đổi Thói Quen Của Bạn” nói gì về cách bạn đang sử dụng khoảng thời gian mỗi buổi sáng của mình nhé!
Tác giả James Clear đã viết về tác dụng khi sử dụng khoa học để xây dựng thói quen tốt và cải thiện sức khỏe của bản thân. Cuốn sách hướng dẫn miễn phí “Transform Your Habits – Thay Đổi Thói Quen Của Bạn” đã có hơn 80.000 lượt tải về. Bài viết dưới đây được trích trong cuốn sách của tác giả James Clear.
Theo một báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới – WHO, tuổi thọ trung bình tại Mỹ là 79 tuổi. Nhiều người sống ở các nước phát triển có thể đạt đến mốc tuổi thọ trung bình là 80. Trong số đó, phụ nữ Nhật đứng đầu trong bảng xếp hạng này với tuổi thọ trung bình là 86 tuổi.
Nếu chúng ta sử dụng mức tuổi thọ trung bình này và cho rằng cuộc đời của một người trưởng thành bắt đầu vào lúc 18 tuổi thì mỗi người sẽ có cả thảy là 68 năm làm người lớn (86-18 = 68). Trên thực tế, có lẽ ít hơn một chút so với giá trị trung bình hoặc nhiều hơn một chút nếu bạn may mắn.
(68 năm người lớn) x (365 ngày/năm) = 24.820 ngày.
Điều đó có nghĩa: mỗi người có gần 25.000 buổi sáng thức dậy trong đời.
Đó chính là những gì bạn có được trong quãng thời gian trưởng thành: 25.000 lần mở mắt thức dậy, đối diện với ngày hôm đó và quyết định xem nên phải làm gì tiếp theo. Tôi không biết bạn như thế nào nhưng bản thân tôi đã bỏ lỡ rất nhiều buổi sáng quý giá đó! Ngay khi nhận ra điều này, tôi bắt đầu nghĩ về cách làm thế nào để xây dựng thói quen tốt vào buổi sáng. Tôi vẫn còn phải học hỏi thêm nhiều điều nhưng theo cá nhân tôi, dưới đây là chiến lược để có được một buổi sáng hiệu quả nhất để không làm lãng phí thêm một ngày nào nữa. Mời các bạn tham khảo!
1. Kiểm soát nguồn năng lượng, chứ không phải là thời gian
Nếu dành một chút thời gian suy nghĩ về điều này, chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng nên làm một việc nhất định tại một khoảng thời gian đã định sẵn. Ví dụ như nguồn năng lượng sáng tạo của tôi đạt hiệu quả cao nhất vào mỗi buổi sáng; bởi vậy, đây chính xác là khoảng thời gian tôi dành ra để viết bài mỗi ngày.
Tương tự như vậy, tôi thường vẽ phác ra những việc mình cần làm vào buổi chiều như phỏng vấn, gọi điện thoại và trả lời mail chẳng hạn. Tôi không cần sử dụng quá nhiều nguồn năng lượng sáng tạo cho những công việc đó, vì vậy buổi chiều chính là thời gian thích hợp nhất để hoàn thành những công việc trên. Ngoài ra, tôi có khuynh hướng tập thể dục hiệu quả nhất vào cuối giờ chiều, nên tôi thường đến phòng tập thể hình vào khoảng thời gian này.
Hãy thử nghĩ xem nguồn năng lượng nào giúp bạn đạt hiệu quả nhất vào mỗi buổi sáng? Và công việc gì phù hợp nhất với loại năng lượng đó?
2. Lên kế hoạch từ đêm hôm trước
Tôi gần như không làm việc này một cách thường xuyên, điều mà đáng lẽ ra tôi nên làm. Tuy nhiên, nếu tôi chỉ làm duy nhất một việc mỗi ngày thì việc bỏ ra ít phút mỗi tối để lập ra danh sách những điều cần làm cho ngày mai là điều hết sức cần thiết! Để thực hiện điều này đều đặn và nghiêm túc, tôi sẽ soạn ra một danh sách những gì tôi sẽ làm cho ngày tiếp theo và mở rộng một danh sách ngắn hơn về những việc quan trọng khẩn cấp cần được hoàn thành sớm nhất. Chắc chắn, bạn sẽ chỉ mất khoảng 10 phút mỗi tối nhưng điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được ba tiếng đồng hồ cho ngày hôm sau đó.
3. Không mở mail cho đến buổi trưa
Điều này nghe có vẻ dễ dàng nhưng không mấy ai làm được. Bởi phải mất một khoảng thời gian tôi mới vượt qua được “cám dỗ” khi không mở hộp thư đến ngay buổi sáng nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra nếu tôi chờ thêm vài giờ đồng hồ rồi mới check mail cả. Chắc chắn không một ai gửi thư điện tử cho bạn trong trường hợp khẩn cấp cả (tai nạn xe máy, chết chóc…), bởi vậy hãy “để nó một mình” trong vài tiếng đồng hồ ở khoảng thời gian đầu tiên trong ngày. Sử dụng thời gian buổi sáng để thực hiện điều quan trọng nhất thay vì ngay lập tức mở mail và trả lời hộp thư đến.
4. Tắt điện thoại và để ra nơi khác
Hoặc có thể để điện thoại trên bàn đồng nghiệp, chí ít là nằm ngoài tầm nhìn của bạn. Điều này sẽ hạn chế thói quen thường xuyên kiểm tra tin nhắn, Facebook, Twitter và những việc gây xao lãng tương tự. Chiến lược đơn giản này sẽ làm giảm xác suất phân tâm trong khi làm việc – nơi mà bạn phung phí thời gian và sự tập trung cho những việc vô nghĩa.
5. Làm việc ở nơi mát mẻ
Đã bao giờ bạn cảm thấy đầu đau như búa bổ và uể oải khi làm việc trong một căn phòng rất nóng chưa? Hãy giảm nhiệt độ xuống hoặc tìm đến một nơi mát mẻ hơn là cách dễ nhất để có thể tập trung tinh thần và cơ thể của bạn cho công việc. Công viên, cà phê vườn, bờ sông hay chỉ đơn giản là một căn phòng thoáng đãng có cửa sổ lớn.
6. Ngồi thẳng lưng hoặc đứng dậy
Não bộ cần oxy để làm việc một cách hiệu quả và hai lá phổi cũng cần co bóp để nạp vào lượng oxy cần thiết cho cơ thể. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng đây chính là vấn đề: nhiều người thường có thói quen ngồi khom xuống khi nhìn vào máy tính hoặc đánh máy. Khi ngồi tư thế gập cong người, ngực của bạn sẽ ở trong vị trí cong oằn lại và cơ hoành sẽ tỳ vào đáy phổi dễ dàng làm cản trở khả năng hít thở của phổi. Ngồi thẳng lưng hoặc đứng dậy sẽ giúp bạn hít thở dễ dàng hơn nhiều. Như vậy, não bộ sẽ hấp thụ được nhiều khí oxy và điều đó sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn.
(Gợi ý: Khi ngồi làm việc, tôi thường đặt một chiếc gối nhỏ sau lưng. Điều này giúp ngăn ngừa phần lưng dưới cong lại và giúp tôi có thể ngồi ở tư thế thẳng hơn).
7. Ăn uống như phần thưởng sau khi làm việc chăm chỉ
Tôi thường luyện tập ăn chay một cách gián đoạn, nghĩa là tôi ăn bữa sáng vào lúc gần trưa mỗi ngày. Tôi đã hình thành thói quen này gần được hai năm và nhận ra có rất nhiều lợi ích về sức khỏe mà tôi đã giải thích rất chi tiết ở các bài viết trước. Nhưng điều đó chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh toàn cảnh. Bản thân tôi cũng ăn chay bởi vì nó cho phép tôi làm nhiều việc hơn trong ngày. Hãy dành chút thời gian để nghĩ về việc mỗi người phải tiêu tốn bao nhiêu thời gian chỉ để suy nghĩ việc ăn gì, chuẩn bị và nấu bữa ăn hằng ngày.
Bằng cách thực hiện chế độ ăn chay, tôi không cần mất nhiều thời gian để tính toán, vắt óc xem sẽ ăn gì cho bữa sáng, nấu nướng như thế nào và dọn dẹp ra sao. Thay vì đó, tôi sử dụng buổi sáng để làm những việc mà tôi cho là quan trọng. Sau đó, tôi sẽ tự thưởng cho mình một bữa ăn thịnh soạn sau khi làm việc chăm chỉ.
8. Sức mạnh của thói quen tốt
Tôi bắt đầu buổi sáng bằng một cốc nước mát. Một số người khác lại bắt đầu một ngày mới với 10 phút thiền định.
Tương tự vậy, bạn nên có một thói quen để bắt đầu ngày mới theo một trình tự rõ ràng. Việc hình thành thói quen nhỏ hàng ngày báo hiệu cho bộ não của bạn rằng đã đến lúc làm việc, thể dục hoặc bất kỳ điều gì để thực hiện công việc của mình. Bên cạnh đó, một thói quen hàng ngày giúp bạn vượt qua cảm giác thiếu động lực thúc đẩy và hoàn thành công việc kể cả khi bạn cảm thấy không thích thú gì nó.
Hiếm ai có thể thành công chỉ qua một đêm và cũng hiếm có ai sụp đổ trong chốc lát. Có rất nhiều thói quen không hiệu quả, gây hại cho sức khỏe dẫn đến kết quả của sự trì hoãn và dần tạo nên những thói quen xấu. Một buổi sáng lãng phí của ngày hôm nay hay một buổi sáng không hiệu quả vào ngày mai chính là kết quả tạo ra thói quen xấu trong suốt cuộc đời.
Nhưng một tin tốt dành cho bạn, đó là chúng ta sẽ có một buổi sáng hiệu quả nếu biết lựa chọn công việc để làm hàng ngày theo một cách trình tự. Không gì thích hợp hơn một thói quen tốt vào buổi sáng cả. Cách mà bạn bắt đầu ngày mới cũng chính là cách mà bạn kết thúc nó đó.
Lấy vận động viên thể hình nổi tiếng người Mỹ – Jack LaLanne, một chuyên gia dinh dưỡng thể dục và có biệt danh là “cha đẻ của thể hình” là một ví dụ. Hàng ngày, Jack LaLanne thức dậy vào lúc 4 giờ sáng và tập thể hình trong vòng 90 phút. Sau đó, ông tập bơi hoặc chạy vào 30 phút tiếp theo. Trong vòng hơn 60 năm, Jack LaLanne thực hiện thói quen này đều đặn vào mỗi buổi sáng. Hơn nữa, để có thể trở thành một trong những người truyền cảm hứng cho thể hình, ông ấy vẫn tiếp tục duy trì thói quen này ngay cả khi bước sang tuổi 96.
Chẳng có gì là trùng hợp ngẫu nhiên! Những gì bạn làm vào buổi sáng sớm chính là kim chỉ nam cho cách bạn sử dụng ngày mới của mình. Đó sẽ là một sự lựa chọn mà chúng ta lặp lại hàng ngày để quyết định một cuộc sống có ích, sức khỏe dồi dào và hạnh phúc viên mãn.
1. Kiểm soát nguồn năng lượng, chứ không phải là thời gian
2. Lên kế hoạch từ đêm hôm trước
3. Không mở mail cho đến buổi trưa
4. Tắt điện thoại và để ra nơi khác
5. Làm việc ở nơi mát mẻ
6. Ngồi thẳng lưng hoặc đứng dậy
7. Ăn uống như phần thưởng sau khi làm việc chăm chỉ
Vậy có 25.000 buổi sáng trong đời, bạn sẽ làm gì khi thức dậy?