Khổng Tử từng nói: “Biết rằng khốn cùng là có mệnh, thông đạt là có thời; lâm đại nạn mà không sợ, là cái dũng của Thánh nhân”.
Theo Khổng Tử, sự kiềm chế của một người phụ thuộc vào nội tâm của anh ta. Mà nội tâm mạnh mẽ là sau khi hiểu Thiên mệnh một cách sâu sắc, có thể dưỡng thành sự nhẫn nại để chờ đợi vận may, và cuối cùng để tu thành cái tâm tĩnh như nước.
1. Nội tâm mạnh mẽ là nghe theo Thiên mệnh sau khi làm tận sức
Nội tâm mạnh mẽ thực chất là dám đối diện với hiện thực, có thể làm tận sức mọi việc, nhưng lại biết mệnh Trời mà có sự tiết chế.
Trong “Luận Ngữ – Nghiêu viết” có nói: “Không biết mệnh không phải là người quân tử”. Mệnh Trời – dù là chủ trương xuất thế gian của Đạo gia hay nhấn mạnh nhập thế gian của Nho gia, đều tôn nó là tuyệt học chí cao vô thượng. Khổng Tử thường nói: “Năm mươi tuổi biết được mệnh Trời”, ý nghĩa là đến năm mươi tuổi, sau khi nếm trải hết khổ sở buồn vui của thế gian, biết rằng có những chuyện làm được và những chuyện không làm được; đồng thời khuyên bảo mọi người biết mệnh Trời mà hành sự, không thể mạo hiểm cưỡng cầu.
“Người quân tử sống yên vui bình dị để chờ đợi Thiên mệnh đến, kẻ tiểu nhân liều lĩnh mạo hiểm cầu may mắn” (Trung Dung – chương 14). Ý nghĩa là quân tử có thể thành đại sự, đa số chọn nơi bằng phẳng rộng rãi mà họ cảm thấy an tâm rồi đợi thời vận đến; mà tiểu nhân lại mạo hiểm để mong cầu lợi ích quá phận, cuối cùng không đạt được gì cả. Người ta đối diện với cảnh khốn cùng sở dĩ có tâm sợ hãi, chủ yếu là vẫn ôm giữ những nhu cầu quá mức; đồng thời lại sợ mất chúng. Mà Khổng Tử lại vì mọi người mà giảng ra phương cách hiệu quả để sửa tâm, chính là “tận sức làm mà nghe thiên mệnh”.
Tuy có nỗ lực làm, nhưng không cưỡng cầu kết quả; tuy làm hăng hái đến quên ăn nhưng từ lâu đã xem nhẹ vinh nhục, đó là nhờ đã ngộ được điều kỳ diệu của thời thế.
2. Nội tâm mạnh mẽ là sau khi thuận theo Thiên mệnh rồi chờ thời vận
Người xưa thường lấy thành bại quy kết thành ba điểm: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà; mà Thiên thời thường ở vị trí đầu tiên.
Người có nội tâm mạnh mẽ thường có chí hướng cao xa, có thể nhẫn nại để sống một đoạn thời gian trầm lắng. Họ tin tưởng sâu sắc rằng thời cơ thích hợp sẽ cho họ một cái nhìn thông suốt. Trong đoạn 2 tán khúc “Truy Hàn Tín” của Kim Nhân Kiệt người triều Nguyên có viết: “Thời vận chưa đến xin chớ cười, Thái Công còn phải làm người câu cá”. Người ngắm sông câu cá để chờ thời chính là Khương Thái Công – vua khai quốc của nước Tề sau này.
Chỉ đáng tiếc, thời vận đến không phải trong chốc lát. Tuyệt đại đa số người ta thường chờ đợi trong thời gian dài rồi đánh mất đi sự kiên nhẫn trong tâm, trở nên lo lắng về được và mất, suốt ngày lo sợ. Trong “Luận Ngữ – Tử Hãn”, Khổng Tử có một câu nói nổi tiếng: “Năm giá lạnh mới biết tùng bách là loài cuối cùng héo tàn”. Lời ấy đã cảnh tỉnh thế nhân: tại thời điểm gian nan nhất, sau khi nhẫn nại chịu đựng và vượt qua mới có thể biết rõ một người mạnh mẽ.
Nguồn gốc của nội tâm mạnh mẽ chính là tin tưởng vào năng lực của bản thân. Đương nhiên nó cũng không tách rời sự kiên nhẫn, nếm mật nằm gai để chờ đợi thời vận.
3. Nội tâm mạnh mẽ là hiểu được thời vận từ đó tâm cảnh nhẹ nhàng
Bấy giờ trong “Nhạc Dương lâu ký”, Phạm Trọng Yêm có câu danh ngôn truyền lại đời sau: “Không vui buồn vì được mất cá nhân” (Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi), nhưng người ta đâu biết rằng lúc đó ông lâm vào một đoạn thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời – bị giáng chức và lưu đày ở Trịnh Châu tỉnh Hà Nam. Nhưng trong tám chữ ông viết không có chút gì là kể khổ về bản thân; trái lại, lại thể hiện được nội tâm mạnh mẽ không gì có thể đả kích được của Phạm Trọng Yêm.
Những chí sĩ trong lịch sử, hễ có nội tâm khoáng đạt, chí khí rộng lớn thì đều có một tính khí điềm nhiên tự tại. Từ Trang Tử, Bách Lý Hề thời Xuân Thu Chiến Quốc đến Đào Tiềm thời Đông Tấn, Tô Thức, Bạch Cư Dị thời Đường – Tống; cuộc đời của họ hoặc ít hoặc nhiều đều kinh qua khổ nạn trập trùng, nhưng chính sự siêu nhiên “không vui buồn vì được mất cá nhân” này đã trở thành ngọn đuốc cuối cùng soi sáng trong cuộc đời họ.
Tâm thản nhiên chính là quên đi bản ngã mà Nho gia đề xướng, là tiêu dao tự tại mà Đạo gia thường nói đến, là cái ‘không’ trong kinh điển Phật gia, cũng là tu luyện bản thân một cách nghiêm khắc. Đây chính là cảnh giới tư tưởng rất cao có thể giúp ta vượt qua tất cả.
Con người sống ở thế gian, không thể cầu mọi việc đều thuận tâm, đường đi đều bằng phẳng. Mà là khi đi trên con đường khó khăn gai góc rồi gặp phải những thống khổ đến tận tâm can; nếu có thể không quên lời này của Khổng Tử: “Nội tâm mạnh mẽ thật sự không phải là cái dũng khi đánh nhau, mà là cái dũng khi lâm vào đại nạn vẫn không kinh không sợ của Thánh nhân”, thì những khó nhọc của Khổng Phu Tử khi đúc kết được câu nói này đã thấm vào trong ta rồi.