Cuộc đời con người theo đuổi điều gì?
Cuộc đời con người theo đuổi điều gì?

Hai câu chuyện, hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng có một câu hỏi: Cả cuộc đời con người rốt cuộc là theo đuổi điều gì?

Chàng trai hát rong

Tại một thị trấn nhỏ của nước Anh, có một chàng trai kiếm sống bằng cách hát rong trên đường phố. Cũng ở khu đó, có một cô gái người Hoa, rời xa gia đình đến đó để làm thuê. Cả hai thường đến một nhà hàng nhỏ để ăn cơm, sau nhiều lần gặp nhau họ đã trở nên thân thiết.

Một ngày, cô gái người Hoa nói với người thanh niên: “Đừng đi hát rong nữa, hãy làm một nghề nghiệp gì đó đi. Tôi giới thiệu cho anh đến Trung Quốc dạy học, ở đó, anh hoàn toàn có thể kiếm được nhiều tiền hơn công việc hiện tại”.

Người thanh niên nghe xong, lúc đầu còn có chút bất ngờ, sau đó mới hỏi lại: “Chẳng lẽ công việc hiện tại của tôi không phải là một nghề nghiệp ư? Tôi thích nghề này, nó mang đến cho tôi và những người khác niềm vui, có gì là không tốt chứ? Tôi cần gì phải đi xa nghìn trùng, vứt bỏ người thân, vứt bỏ gia đình, đi làm công việc mà tôi cũng không thích?“

Ở bên nước Anh, bất kể là người già hay trẻ nhỏ, họ đều ngạc nhiên, họ không hiểu được tại sao chỉ vì để kiếm thêm được một chút tiền mà phải vứt bỏ người thân, từ bỏ hạnh phúc, có cái gì đáng giá vậy? Ở trong mắt họ, gia đình đoàn tụ, bình an yên ổn, đó mới là hạnh phúc nhất. Mọi người trong thị trấn nhỏ này đều cảm thấy rằng cô gái này quá là đáng thương.

Thương nhân và ngư dân

Một thương nhân ngồi trên bến tàu của một làng chài nhỏ trên bờ biển, xem một ngư dân đang chèo chiếc thuyền nhỏ cập bến. Trên chiếc thuyền nhỏ có một vài chiếc đuôi cá Đại Hoàng và vây Cá Ngừ. Vị thương nhân này khen ngợi người ngư dân bắt được loại cá có giá trị cao như thế.

Ông hỏi người ngư dân: “Anh đã mất bao nhiêu lâu để bắt được số cá đó?”

Người ngư dân trả lời:”Chỉ một lát là bắt được từng đó rồi“.

Vị thương nhân lại hỏi: “Anh tại sao lại không nán lại lâu hơn một chút để bắt được thật nhiều cá hơn?”

Người ngư dân cảm thấy không cần làm như thế liền nói: “Số cá này là đã đủ cho người nhà tôi dùng rồi”.

Vị thương nhân hỏi: “Như thế thì thời gian trong ngày của anh còn rất nhiều, anh làm những việc gì?”

Người ngư dân giải thích: “Tôi à? Tôi mỗi ngày ngủ đến lúc hết buồn ngủ mới dậy, ra biển đánh bắt mấy con cá, sau đó trở về nhà chơi cùng các con, rồi ngủ trưa cùng vợ, lúc hoàng hôn đến, cùng với anh em uống chút rượu, chơi đàn ghi ta. Cuộc sống của tôi trôi qua vô cùng tốt đẹp”.

Thương nhân cho rằng như thế là không tốt liền nghĩ kế giúp người ngư dân, ông ta nói: “Tôi là thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Đại học tôi có thể giúp anh bận rộn hơn, mỗi ngày anh hãy dành nhiều thời gian đi bắt cá hơn, đến khi đó anh sẽ có tiền để mua một chiếc thuyền to hơn một chút, đương nhiên anh sẽ bắt được nhiều cá hơn nữa, anh lại mua được một chiếc thuyền to hơn nữa, sau đó anh có thể có được cả một đoàn thuyền đánh cá”

Ông nói tiếp: “Đến lúc đó anh không cần phải mang cá đi bán cho người buôn cá, mà trực tiếp bán cho cơ sở chế biến cá, sau nữa anh có thể mở một nhà máy chế biến đồ hộp, như thế anh có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, gia công, tiêu thụ. Sau đó anh có thể từ bỏ làng chài nhỏ này, chuyển đến nơi tốt hơn để xí nghiệp kinh doanh của anh sẽ không ngừng phát triển mở rộng”.

Người ngư dân hỏi: “Điều này phải mất bao nhiêu thời gian đây?”

Vị thương nhân trả lời: “15 đến 20 năm”

Người ngư dân hỏi: “Vậy còn sau đó thì sao?”

Vị thương nhân cười lớn và nói: “Sau đó thì anh có thể ở nhà làm Hoàng đế. Thời cơ thích hợp đến, anh có thể đưa cổ phiếu ra thị trường, bán cổ phần của Công ty anh cho dân chúng, đến lúc đó anh sẽ giàu có đấy, anh có thể có vài tỷ, vài tỷ đô la tiền lợi nhuận”.

“Tiếp sau đó nữa thì sao?”

Vị thương nhân nói: “Cho đến lúc đó anh có thể nghỉ hưu, anh có thể đến bờ biển của làng chài nhỏ mà sinh sống, mỗi ngày ngủ đến tỉnh ngủ mới dậy, ra bờ biển bắt vài con cá, chơi cùng các con, lại cùng vợ ngủ trưa, lúc hoàng hôn, lại cùng anh em trong thôn uống chút rượu và chơi đàn ghi- ta.”

Người ngư dân nghi ngại nói: “Tôi hiện tại chẳng đúng là đang như thế sao?”

Gia đình hòa thuận, cuộc sống yên bình, chẳng phải đã là một loại thành công và hạnh phúc sao?

Mía ngọt 2 đầu, vì sao ta cứ chọn nỗi buồn thay cho niềm vui?

Khóc hay cười thì cũng qua một ngày, tại sao chúng ta không chọn nụ cười?

Người ta thường hay ví bao nỗi buồn khổ trong cuộc đời giống như những cơn bão giông ướt át, nhưng lại ít để ý đến một điều đơn giản và hiển nhiên: “Sau mỗi trận mưa giông vạn vật đều trở nên tốt tươi, tràn đầy sức sống. Vả lại đâu có cơn mưa nào cứ mưa mãi mà không tạnh bao giờ.”

Già nên khóc hay cười

Ngày ngày bà hay ngồi bên bậc cửa, sát cạnh vỉa hè. Điều đặc biệt ở lão bà này là người ta thấy bà luôn luôn khóc: sáng cũng khóc, chiều cũng khóc, ngày nắng cũng khóc, ngày mưa bà cũng khóc. Chẳng ai biết tên thật của bà lão là gì nhưng người ta quen gọi bà là “Bà già hay khóc”.

Một hôm có một người tu luyện Đạo Pháp tình cờ đi qua, thấy lạ bèn hỏi:

– Có chuyện gì khiến bà lão buồn khổ vậy?

Bà lão gạt đôi hàng lệ đục ngầu đang lăn dài trên khóe mắt già nua, sụt sùi than vãn:

– Vốn là nhà tôi chỉ sinh thành được hai cậu con trai, chúng nó đều đã khôn lớn cả rồi, lại cũng yên bề gia thất. Thằng lớn thì ngày ngày bán tiệm giày nơi đầu phố, còn thằng út thì có cửa hiệu bán dù ở cuối phố. Các con tôi đều rất mực hiếu thảo với song thân.

Người tu Đạo lấy làm ngạc nhiên lắm, hỏi tiếp:

– Bà lão ơi, vậy thì hà cớ gì mà bà phải khóc?

– Ngài chẳng biết đâu, tôi thương và lo lắng cho chúng lắm. Bà lão lại sụt sịt phân trần: Này nhé, hôm nào trời mưa thì tôi khóc thương cho cậu con trai cả vì nó không bán được giày; còn trời tạnh ráo thì tôi khóc thương cho cậu con út, vì sẽ chẳng có mấy ai đến mua dù của nó!

Nghe bà lão nói xong, người tu Đạo bật cười an ủi:

– Này hỡi cụ bà tội nghiệp, chính là bà nên vui mới phải. Này nhé, bà nghĩ xem: Hôm nào trời nắng thì cậu con trai cả nhà bà sẽ bán được rất nhiều giày, còn như hôm nào trời mưa thì cửa hiệu ô của cậu út nhà bà chẳng phải sẽ đắt khách lắm sao?

Bà lão giật mình tỉnh ngộ, nói:

– Phải, phải! Chính là đạo lý này. Vậy mà tại sao bao nhiêu năm nay già đây lại không nghĩ ra nhỉ!

Nói đoạn rồi bà cụ chắp tay thi lễ, cảm ơn người khách tu Đạo kia nhiều lắm lắm!

Từ đó, những kẻ lại qua nơi phố cổ thường bắt gặp một bà lão ngồi bên bậc cửa với vẻ mặt rạng rỡ. Có một điều lạ khiến người ta chú ý là bà lão luôn luôn mỉm cười hạnh phúc. Ngày nắng bà cũng cười, ngày mưa cũng lại cười. Vẫn chẳng ai biết tên thật của bà cụ là gì, nhưng người ta quen gọi bà lão kỳ lạ ấy là: “Bà lão hay cười”.

Hạnh phúc cho dù có lớn đến bao nhiêu rồi cũng sẽ có lúc phải đi đến giai đoạn suy tàn và bước sang giai đoạn đau khổ. Hình ảnh những con thiêu thân nhảy múa, bay lượn ồn ào trước những ánh lửa cũng giống hệt như hình ảnh loài người chúng ta đang lao mình vào những cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc.

Con cáo và chuồng gà

Một con cáo phát hiện một chuồng gà, nhưng con cáo đó vì quá mập nên không thể chui lọt qua hàng rào để ăn gà. Thế là nó nhịn đói suốt ba ngày, cuối cùng đã vào được. Tuy nhiên, sau khi ăn no nê rồi, chiếc bụng phình to nên lại không ra được nữa, đành phải bắt đầu nhịn đói lại ba ngày mới ra được. Cuối cùng nó xót xa than thở rằng, bản thân mình ngoài nhất thời sướng miệng ra, trên cơ bản hoàn toàn là phí công vô ích.

Đời người không phải cũng như vậy sao. Đến trần truồng mà ra đi cũng trần truồng. Không ai có thể mang theo tài sản và danh vọng mà mình đã vất vả kinh doanh một đời để theo cùng.

Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ.
Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống.
Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc.
Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.

Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới, nhưng tiền bạc của cả thế giới cũng không mua lại được cuộc đời của bạn.

Vậy nên những lúc nên làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi, vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được, hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn từng ngày. Sống một ngày vui vẻ là sống một ngày. Sống một ngày không vui vẻ cũng là sống một ngày.

Vậy tại sao chúng ta lại không trân quý hết thảy, vui vẻ mà sống trọn một ngày chứ!

Tái ông mất ngựa

Có một ông lão sống lạc quan, bao dung, bởi vậy mà được rất nhiều người mến mộ. Ông có một người con trai, hai cha con sống bằng nghề chăn ngựa.

Một hôm, không biết nguyên nhân vì sao mà con ngựa của ông bỏ đi mất. Sau khi hàng xóm biết chuyện, họ nghĩ rằng ông sẽ rất buồn nên đến thăm hỏi và an ủi.

Nhưng ông chẳng những không tỏ ra tiếc nuối, mà còn bình thản trả lời: “Ngựa mất rồi, đương nhiên là chuyện xấu, nhưng ai biết đâu nó sẽ mang lại kết quả tốt chứ? Không sao đâu”.

Quả nhiên qua mấy tháng sau, con ngựa kia liền trở về, còn dắt theo một con tuấn mã. Nghe tin này, bà con hàng xóm cùng nhau tới chúc mừng cho ông.

Nhưng ông cũng không hề tỏ ra vui mừng, ông nói: “Mọi sự đều có nhân duyên của nó, chuyện được cho là vui nhưng chưa chắc đã tốt, không nên vội mừng làm chi”.

Từ ngày có thêm một con tuấn mã, con trai ông vui mừng khôn xiết, ngày ngày cưỡi ngựa rong chơi, hóng gió, đi không biết mệt. Cuối cùng, do bất cẩn cậu này ngã ngựa và gãy chân.

Hàng xóm biết tin, ai cũng tới chia buồn, còn ông vẫn điềm nhiên: “Biết đâu chuyện lại có hậu thì sao? Mọi người đừng lo tôi không thấy buồn”. Hàng xóm thực sự không thể hiểu nổi ông.

Một thời gian sau, giặc ngoại ồ ạt tấn công xâm lược, tình hình biên ải đột nhiên căng thẳng, thanh niên trai tráng đều được gọi nhập ngũ đi lính, kết quả mười người thì có 8, 9 người mất mạng trên chiến trường. Riêng con trai của ông bị què chân nên được miễn quân dịch, vì thế cha con ông tránh được nạn sinh tử biệt ly.

Sau những sự việc ấy, mọi người càng thêm nể phục phong thái điềm tĩnh và cách cư xử “bình thản” của ông.

Cuộc sống vốn như một dòng chảy bất tận và biến đổi không ngừng. Vô thường là một chân lý, vạn sự vạn vật đều tuân theo nguyên lý ấy.

Việc tốt xấu trong đời người không là tuyệt đối, chuyện tưởng như là xấu mà lại có thể dẫn tới kết quả tốt đẹp, và những chuyện được cho là tốt đẹp cũng có thể dẫn tới hậu quả xấu.

Quan trọng là chúng ta giữ được tâm thái bình thản trước tất cả mọi sự xảy đến với mình, biết chấp nhận nó, không truy cầu hay than vãn.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng lý trí để nhận thức bản chất sự việc, làm chủ được cảm xúc của mình, không bị chi phối bởi vô thường.

Nếu giữ được tâm thái ấy, chúng ta sẽ lạc quan hơn, có cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn và an nhiên tự tại trước vui buồn của đời người.

Write a comment…