Làm việc siêng năng tốt cho sự nghiệp của bạn, nhưng làm việc quá sức thì không. Làm việc siêng năng là một điều cần thiết giúp bạn tiến xa trên con đường sự nghiệp, nhưng đôi khi chúng ta thường lầm lẫn giữa hai khái niệm “làm việc siêng năng” và “làm việc quá sức”.

Làm việc quá sức hay siêng năng
Làm việc quá sức hay siêng năng

Vậy sự khác biệt giữa chúng là gì?

Muốn biết bạn có làm việc quá sức hay không, hãy tự hỏi chính mình những câu hỏi sau:

1. Công việc của tôi có đang khiến tôi mệt mỏi và sa sút về sức khỏe?

2. Đầu óc tôi có luôn ở trong tình trạng căng thẳng, mất tập trung, khó sáng tạo và dễ phạm sai lầm?

3. Tôi có đang đánh mất những điều ý nghĩa khác trong cuộc sống như bạn bè, gia đình, thú vui cá nhân?

Nếu có ít nhất một trong các câu trả lời cho 3 câu hỏi trên là “Có”, bạn đang làm việc quá sức, không phải là làm việc siêng năng.

Làm việc quá sức có hại cho công việc cũng như cuộc sống của bạn bởi những lý do sau đây:

1. LÀM VIỆC QUÁ SỨC GÂY TỔN HẠI SỨC KHỎE CỦA BẠN:

Nếu bạn bỏ ra rất nhiều thời gian cho công việc, bạn sẽ không còn thời gian và năng lượng để chăm sóc bản thân đàng hoàng nữa. Bạn sẽ không còn thời gian tập thể dục, ăn uống đàng hoàng, hay ngủ đủ giấc. Bỏ qua những quy trình của một lối sống lành mạnh là một cách để bạn nhanh chóng lăn ra ốm.

Thêm vào đó, dành quá nhiều thời gian cho công việc sẽ làm cho bạn cảm thấy đuối sức và căng thẳng. Một lần nữa, stress nặng cũng có thể gây bệnh. Về lâu dài, không ai có thể theo đuổi một lịch làm việc điên cuồng cả. Sớm hay muộn gì, bạn sẽ ngã bệnh – và làm việc cho đến lúc bạn sụp đổ thực sự không phải là một cách để gây ấn tượng với người khác tại nơi làm việc.

2. LÀM VIỆC QUÁ SỨC KHIẾN BẠN MẤT ĐI TÍNH SÁNG TẠO:

Bạn cần có thời gian nghỉ giữa công việc để tái định hình và tập trung. Nếu lịch làm việc của bạn quá căng, và bạn không còn thời gian cho các sở thích nữa, sức sáng tạo của bạn sẽ sớm khô cạn.

Trong quyển Nghệ thuật suy nghĩ, Graham Wallace đã xem xét quá trình sáng tạo của một nhà khoa học lớn. Wallace khám phá ra rằng một bước rất quan trọng của quá trình này là “ấp ủ những ý tưởng”.

Giai đoạn ấp ủ ý tưởng thường xảy ra vào lúc đầu óc bạn thoải mái và thư giãn nhất, vì vậy nếu bạn cứ làm việc căng thẳng liên tục, những ý tưởng mang tính sáng tạo và đột phát sẽ không thể xuất hiện.

3. LÀM VIỆC QUÁ NHIỀU CHỨNG TỎ PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC CỦA BẠN CÓ VẤN ĐỀ:

Một người làm việc thông minh sẽ biết rõ những công việc nào là quan trọng và cần thiết cần phải đầu tư nhiều công sức và những công việc nào không nên quá chú trọng, những công việc nào bản thân mình có thể làm tốt và những công việc nào có thể thuê người khác hoặc ủy quyền cho nhân viên cấp dưới.

Trong nhiều trường hợp, bận rộn không đồng nghĩa với siêng năng mà chỉ chứng tỏ bạn không biết sắp xếp công việc một cách khoa học và không có phương pháp làm việc hiệu quả.

4. LÀM VIỆC QUÁ SỨC CHỨNG TỎ BẠN KHÔNG BIẾT CÁCH ỦY QUYỀN CŨNG NHƯ LÀM VIỆC NHÓM:

Nếu bạn là sếp trong một đội với những nhân viên trợ giúp, và bạn đang là người làm trên 80 giờ/tuần trong khi nhân viên của bạn đang thong dong chờ giờ về nhà thì bạn đang có vấn đề với việc tin tưởng nhân viên của mình.

Thế nên, bạn cần học cách ủy quyền công việc lại cho người khác. Ngược lại, nếu bạn là nhân viên và mọi người trong nhóm của bạn đang làm việc cật lực và đang căng thẳng hết sức, có lẽ đã đến lúc bạn nên thuyết phục sếp rằng nhóm các bạn cần thêm người.

5. LÀM VIỆC QUÁ NHIỀU CÓ THỂ VÌ BẠN ĐANG TẬP TRUNG VÀO NHỮNG VIỆC LẶT VẶT VÀ VÔ BỔ:

Những người quá tập trung vào các công việc lặt vặt như ngồi chờ trả lời email, dọn dẹp lại văn phòng làm việc, gọi những cuộc điện thoại không quan trọng… thường có kết quả làm việc rất kém dù trông họ lúc nào cũng siêng năng và tất bật.

Đừng phạm vào sai lầm như họ. Hãy định ra một thời điểm nhất định trong ngày để trả lời tất cả email và bỏ qua những email không quan trọng, làm như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian để dùng cho những công việc quan trọng hơn.

6. LÀM VIỆC QUÁ SỨC TRONG NGẮN HẠN KHIẾN BẠN DỄ CHÁN NẢN VÀ BỎ CUỘC KHI THỰC HIỆN NHỮNG DỰ ÁN DÀI HẠN:

Bạn có thể cố gắng tập trung làm việc quần quật trong vài ngày và điều này đôi khi có thể rất tốt đối với những dự án ngắn hạn.

Tuy nhiên việc bạn quá hăng hái vào thời gian đầu của những dự án dài hạn sẽ khiến bạn nhanh chóng đuối sức và dần không còn tha thiết với công việc.

Hãy nhớ rằng: duy trì tính liên tục và đều đặn kết hợp với một kế hoạch làm việc hiệu quả mới là bí quyết thành công cho những dự án dài hạn.

Write a comment…